Sáng 29 - 7, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tiếp tục triển khai công tác quản lý Di tích lịch sử - văn hoá đền Dâu, đền Quán Cháo theo quy định.
Quang cảnh hội nghị.
Đồng chí Bùi Thành Đông, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố
dự, chỉ đạo hội nghị; đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch
UBND thành phố chủ trì hội nghị; đồng chí Vũ Thành Tôn, Phó Bí thư Thường trực
Thành ủy, các đồng chí lãnh đạo sở, ban, ngành, Văn phòng UBND, Hội Khoa học -
Lịch sử tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND,
lãnh đạo một số phòng, ban, ngành, MTTQ của thành phố; Ban Quản lý Di tích lịch
sử - văn hóa đền Dâu, đền Quán Cháo; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường, xã;
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Yên Bình; Tổ
trưởng Tổ dân phố Lý Nhân; Tổ trưởng, Tổ phó Tổ trực đền Dâu, đền Quán
Cháo dự hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo về tình hình quản lý và khai thác di
tích lịch sử - văn hóa đền Dâu, đền Quán Cháo; xem phóng sự “Quản lý sử dụng
nguồn lực như thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn
hóa”; nghe đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy báo cáo những nét cơ bản,
trọng tâm về “Đất và Người Tam Điệp”, về “Lý lịch đền Dâu, đền Quán Cháo”; dư
luận của nhân dân và du khách thập phương về công tác quản lý, khai thác hai
ngôi đền, về tinh thần phục vụ, tâm huyết, ý thức, trách nhiệm của một số người
trông giữ đền. Theo đó, đền Dâu được xây dựng từ những năm 1592, đền Quán Cháo
có vào khoảng cuối thế kỷ XVIII. Trước năm 1945, đền Dâu, đền Quán Cháo thuộc
địa bàn hành chính xã Lý Nhân, tổng Đàm Khánh, huyện Yên Mô. Hiện nay, đền Dâu thuộc
địa bàn hành chính phường Nam Sơn và đền Quán Cháo thuộc địa bàn hành chính
phường Tây Sơn. Năm 2009, hai ngôi đền được công nhận là di tích văn hóa cấp
tỉnh. Trước năm 1945, hai ngôi đền được nhà nước phong kiến và thực dân Pháp
giao quản lý theo địa giới hành chính của xã Lý Nhân. Từ năm 1945 trở lại đây,
khi không còn địa danh xã Lý Nhân, hai ngôi đền do thôn Lý Nhân trước đây và tổ
dân phố Lý Nhân ngày nay tự đứng ra quản lý. Mặc dù đã có cố gắng trong việc
giữ gìn, tôn tạo, trông coi và phát huy giá trị của đền Dâu, đền Quán Cháo,
song, việc quản lý đã để xảy ra nhiều bất cập, sai phạm, phát sinh đơn thư,
khiếu kiện phức tạp, có việc đã tác động tiêu cực đến công tác giáo dục truyền
thống lịch sử, văn hóa và đời sống tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, gây bức
xúc dư luận. Việc trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, mở rộng khuôn viên không được
quan tâm, đầu tư đúng mức, không đáp ứng với yêu cầu của tình hình thực tiễn.
Tiền công đức của nhân dân và du khách thập phương chủ yếu dùng để chi cho các
thành viên Tổ trực đền, không có sự tiết kiệm, không có tích lũy để phục vụ
công tác trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, mở rộng khuôn viên của đền. Trước thực
trạng đó, từ tháng 01/2024, thành phố chỉ đạo thực hiện công tác quản lý Đền
Dâu, đền Quán Cháo theo mô hình mới theo đúng quy định của pháp luật. Tuy
nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, vẫn còn những hạn chế, vướng mắc cần
phải kiên quyết khắc phục, giữ vững kỷ cương, tôn nghiêm nơi thờ tự linh thiêng.
Tham
luận tại hội nghị, đã có 14 đại biểu đại diện Hội Khoa học - Lịch sử tỉnh, các
sở, ngành chuyên môn của tỉnh, lãnh đạo thành phố, lãnh đạo phường xã phát biểu
tham luận. Các ý kiến đã khẳng định rõ: (1) Đền Dâu, đền Quán
Cháo không phải do nhân dân xã Lý Nhân trước đây xây dựng; đây là tài sản văn
hóa của tỉnh Ninh Bình, của dân tộc do các thế hệ cha ông để lại; chủ sở hữu là
cộng đồng dân cư vùng đất Tam Điệp chứ không phải của một nhóm người nào đó; (2) Đền
Dâu, đền Quán Cháo trước đây do xã Lý Nhân quản lý theo địa giới hành chính; Tổ
dân phố Lý Nhân ngày nay chỉ là một phần diện tích rất nhỏ của xã Lý Nhân trước
đây, không thể là đại diện cho xã Lý Nhân trước đây; Tổ dân phố Lý Nhân có một
phần công lao trông coi, phụng thờ, tôn tạo; (3) Hai ngôi đền phải
được quản lý theo đúng quy định của pháp luật, xứng tầm với giá trị của di
tích; (4) Phải
kiên quyết chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tiền công đức để đảm bảo nguồn
lực trong việc mở rộng khuôn viên, trùng tu, tôn tạo hai ngôi đền ngày càng
khang trang, đáp ứng ngày càng tốt hơn với yêu cầu đời sống tín ngưỡng, tâm
linh của du khách thập phương và nhân dân; (5) Các ngành, cơ
quan chuyên môn của tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với thành phố giải quyết kịp
thời, hiệu quả những vướng mắc về quyền sử dụng đất, quy chế hoạt động, quy chế
chi tiêu và những vấn đề liên quan khác.
Đồng chí Bùi Thành Đông, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch
HĐND thành phố, phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Bí Thư Thành ủy chỉ rõ: Đây là hội
nghị thứ hai do UBND thành phố tổ chức để triển khai công tác quản lý đền Dâu,
đền Quán Cháo. Kết quả thực hiện những nội dung đã kết luận tại hội nghị thứ
nhất nhiều nội dung triển khai chưa đảm bảo thời gian, chuyển biến chậm, có
việc thực hiện chưa nghiêm túc, biểu hiện đùn đẩy, né tránh, ngại va chạm. Các
tư liệu lịch sử, hệ thống tài liệu và ý kiến của các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ
đền Dâu, đền Quán Cháo được các thế hệ người Đồng Giao - Tam Điệp và người dân
Lý Nhân cùng du khách thập phương đóng góp xây dựng, trùng tu, tôn tạo, bảo
quản, gìn giữ đến ngày hôm nay. Đây là tài sản văn hóa, tinh thần có ý nghĩa
lịch sử to lớn của quê hương, dân tộc; là nơi tri ân Mẫu và bậc Thánh hiền có
công với đất nước. Đền do xã Lý Nhân trước đây quản lý theo địa giới hành
chính. Không có tài liệu chứng minh Tổ dân phố Lý Nhân xây dựng đền mà do người
dân vùng đất Đông Giao-Tam Điệp xây dựng. Việc thờ phụng, trùng tu, tôn tạo,
quản lý, gìn giữ là trách nhiệm chung của mọi người.
Kể từ khi được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2009 đến tháng
6/2023, đền Dâu, đền Quán Cháo do Tổ dân phố Lý Nhân quản lý, trông coi. Tuy
nhiên, quản lý chủ yếu theo hình thức tự phát, dựa vào kinh nghiệm là chính, có
thời điểm đã buông lỏng quản lý, để cho một bộ phận người dân Tổ dân phố Lý
Nhân trông coi, khai thác; nguồn lực phục vụ cho các hoạt động của đền do nhân
dân và du khách thập phương và nhà hảo tâm công đức. Trong quá trình quản lý,
bên cạnh việc duy trì hoạt động của hai ngôi đền còn bộc lộ nhiều yếu kém, sai
phạm, từ việc buông lỏng quản lý của chính quyền, nhận thức chưa đầy đủ của cấp
ủy, chi bộ, tổ dân phố Lý Nhân, đến tinh thần, ý thức, trách nhiệm của những
người trông coi đền dẫn đến phát sinh đơn thư, khiếu nại, tố cáo phức tạp, gây
mất an ninh trật tự và bức xúc dư luận. Cử tri và nhân dân đã kiến nghị lên HĐND
tỉnh, HĐND thành phố và lãnh đạo thành phố, yêu cầu cần phải lập lại kỷ cương,
chấn chỉnh những biểu hiện thiếu chuẩn mực, vô cảm, bảo vệ và giữ vững sự linh
thiêng của hai ngôi đền, đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm.
Đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu UBND thành phố: (1) Phải chấn chỉnh, khắc phục
ngay những yếu kém, hạn chế hiện nay. Thực hiện nghiêm túc Quyết định số 34,
ngày 14/12/2015 của UBND tỉnh Ninh Bình. Ban Quản lý nâng cao tinh thần trách
nhiệm, hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn với yêu cầu đời sống
tâm linh và nhu cầu tham quan, chiêm bái của nhân dân và du khách. (2) Lựa chọn
nhân sự, bổ sung, kiện toàn Ban Quản lý đảm bảo số lượng, chất lượng; khẩn
trương ban hành quy chế hoạt động từ ngày 05/8/2024. Chỉ đạo thanh lọc, lựa
chọn những người có đủ tư cách, có kiến thức, tâm huyết, có ý thức, trách
nhiệm cao tham gia Tổ trực đền, trong đó bổ sung thêm người dân phường Tây Sơn,
phường Nam Sơn tham gia trực đền và khuyến khích những người cao tuổi ở các xã,
phường tham gia công quả tại 2 ngôi Đền. (3) Tất cả các khoản công đức dầu
nhang, tiền giọt dầu phải thống nhất quản lý; ban hành và thực hiện nghiêm túc
Quy chế chi tiêu, trong đó phải dành phần lớn tiền công đức để mở rộng khuôn
viên, trùng tu, tôn tạo hai ngôi đền xứng tầm với giá trị truyền thống lịch sử,
văn hóa của di tích, đúng với tâm nguyện của nhân dân và du khách thập phương.
(4) Đảng ủy, UBND phường Yên Bình, thành viên Ban quản lý di tích và Chi bộ tổ
dân phố Lý Nhân, Tổ trực đền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức
cho cán bộ, đảng viên, nhân dân phường Yên Bình nói chung và Tổ dân phố
Lý Nhân nói riêng về quá quá trình hình thành, kết quả đạt được, tồn tại hạn
chế trong công tác quản lý hai ngôi đền Dâu, đền Quán Cháo thời gian qua và
những định hướng của thành phố trong thời gian tới; xác định rõ đền Dâu, đền
Quán Cháo là tài sản vô giá của nhân dân, mọi người phải có trách nhiệm giữ gìn
và phát huy giá trị cho muôn đời mai sau. (5) Công an thành phố và các cơ quan
chức năng tiếp tục nắm tình hình, củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá
nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật. (6) Sau hội nghị, UBND thành
phố ban hành thông báo kết luận hội nghị, đồng thời triển khai nghiêm túc, kịp
thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; chủ động theo dõi, đôn đốc,
giám sát việc thực hiện, báo cáo kết quả về Thường trực Thành ủy và UBND tỉnh.
Đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành
phố phát biểu kết luận Hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố đã trân trọng cảm
ơn và tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia góp ý của các đại biểu, nhất là ý
kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy. Đồng thời đề nghị các ngành, cơ quan
chuyên môn của UBNB tỉnh quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ thành phố trong
việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất và việc ban hành hệ thống văn bản để
triển khai thực hiện. Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố đã phân công, giao nhiệm
vụ cụ thể từng cơ quan chuyên môn trong việc cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của đồng
chí Bí thư Thành ủy để tổ chức thực hiện./.
Nguồn: Trang thông tin điện tử thành phố