NDO - Việc bình chọn 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm
2024 là nhìn nhận khách quan trung thực của gần 50 nhà báo đến từ hơn 40 cơ
quan báo chí của Việt Nam.
Ngày 26/12, Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông
tin Việt Nam (ICT Press Club) công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2024. Cùng
với sự kiện này, ICT Press Club cũng tổ chức tọa đàm: “Thương mại hóa 5G, ứng
dụng vào ngành công nghiệp thông minh”.
Chủ tịch ICT Press Club Nguyễn Việt Phú cho
biết, nội dung buổi tọa đàm này đang là vấn đề thời sự khi mà các nhà mạng vừa
tuyên bố thương mại hóa 5G, mở ra nhiều cơ hội mới về thị trường và trải nghiệm
mới cho khách hàng.
Sự hội tụ của công nghệ 5G và
sản xuất thông minh đang định hình lại bức tranh công nghiệp, mở ra một kỷ
nguyên công nghiệp 4.0. Các công ty khởi nghiệp đang đi đầu trong sự chuyển đổi
này, tận dụng sức mạnh của 5G để nâng cao khả năng kết nối, cải thiện hiệu quả
và mở ra những khả năng chưa từng có trong sản xuất thông minh.
5G và tự động hóa dựa trên AI là những công
nghệ đột phá có tiềm năng to lớn để cách mạng hóa ngành sản xuất. Việc ứng dụng
hiệu quả hai công nghệ này sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt
động, tăng năng suất, giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh trong thị trường
toàn cầu.
Sự kết hợp giữa công nghệ 5G và tự động hóa
dựa trên AI được xem là chìa khóa mở ra cánh cửa cho sản xuất thông minh thế hệ
mới, mang đến bước tiến đột phá cho ngành sản xuất.
Công nghệ 5G đang đóng vai trò then chốt trong
việc thúc đẩy hiệu quả và đổi mới ở các ngành công nghiệp như sản xuất, nhà máy
thông minh, cảng biển, và internet vạn vật công nghiệp (IIoT).
Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên băng thông
rộng và IoT khi các nhà mạng chính thức triển khai thương mại 5G trên toàn
quốc. Vì vậy, ứng dụng công nghệ 5G sẽ giúp Việt Nam bắt kịp với thế giới trong
các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cảng biển, khai khoáng, giao thông thông
minh,...
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều
chính sách quan trọng để thúc đẩy phát triển hạ tầng mạng di động 5G, coi đây
là nền tảng cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền
thông đã đưa ra chiến lược hạ tầng số của Việt Nam, đặt mục tiêu đưa đất nước
tiến nhanh trong công cuộc chuyển đổi số, tập trung vào các định hướng quan
trọng. Trong đó, phổ cập cáp quang tốc độ cao và phủ sóng 5G trên toàn quốc là
những ưu tiên hàng đầu.
Chính thức ra mắt chỉ sau 6 tháng nhận giấy
phép sử dụng tần số 2.600 MHz, mạng 5G Viettel tại
thời điểm khai trương (ngày 15/10) có hơn 6.500 trạm thu phát sóng, phủ sóng
100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng
biển, sân bay, bệnh viện, đại học.
Đến tháng 12/2024, VNPT cũng tuyên bố chính
thức thương mại hóa 5G. Không
chỉ dừng lại ở việc nâng cao trải nghiệm cá nhân, VNPT còn hỗ trợ các giải pháp
mạng riêng (Private 5G Network), phân chia tài nguyên mạng (Network Slicing) và
tích hợp công nghệ Open RAN 5G, đáp ứng yêu cầu đặc thù của từng ngành như sản
xuất, y tế, giáo dục, tài chính và năng lượng. Đây là nền tảng quan trọng để
thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp, tăng hiệu quả vận hành và phát triển kinh
tế số. Về phía nhà mạng MobiFone cũng đã đưa ra kế hoạch thương mại hóa 5G ngay
vào đầu năm 2025.
10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2024
1 - Tắt sóng 2G, đưa 18 triệu thuê bao lên 4G
2 - Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu
3 - Chính phủ ban hành Nghị định về việc quản
lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng
4. Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển
công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050
5 - Chính phủ phê duyệt Chiến lược Hạ tầng số
đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030
6 - Chính thức thương mại hóa 5G
7 - Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông cùng
Bộ Khoa học và Công nghệ
8 - Thủ tướng Chính phủ việc phê duyệt Chiến
lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030
9 - Các ngân hàng thực hiện sinh trắc học để
chống lừa đảo trực tuyến
10
- Gã khổng lồ chíp bán dẫn NVIDIA mua cổ phần Vinbrain mở 2 trung tâm nghiên
cứu AI tại Việt Nam
Tin túc báo nhân dân