Quy trình phân loại, số hóa hồ sơ trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính
Theo quy định tại Nghị
định số 107/2021/NĐ-CP và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP, việc số hóa hồ sơ, giấy
tờ trong tiếp nhận, xử lý, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho
cá nhân, tổ chức được thực hiện theo nguyên tắc phân loại như sau:
- Hồ sơ, giấy tờ phải
thực hiện số hóa theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 21a Nghị định số
61/2018/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP) và
Nghị định số 45/2020/NĐ-CP bao gồm:
(1) Giấy tờ trong
thành phần hồ sơ mà cá nhân, tổ chức nộp là kết quả giải quyết của TTHC trước
đó;
(2) Giấy tờ trong
thành phần hồ sơ phải số hóa theo quy định của pháp luật chuyên ngành;
(3) Giấy tờ trong
thành phần hồ sơ phải số hóa theo yêu cầu quản lý do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết
định;
(4) Kết quả xử lý hồ
sơ của các cơ quan, đơn vị tham gia trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC;
(5) Kết quả giải quyết
của TTHC.
- Hồ sơ, giấy tờ còn
lại không thuộc 5 trường hợp nêu trên được thực hiện số hóa theo nhu cầu trên
cơ sở đề nghị của cá nhân, tổ chức. Bộ phận Một cửa đáp ứng các yêu cầu về
trang thiết bị, máy móc để phục vụ số hóa đối với các loại giấy tờ theo nhu
cầu. Trường hợp này cá nhân, tổ chức phải trả chi phí số hóa bằng mức chi theo
quy định pháp luật cho việc tạo lập, chuyển đổi thông tin điện tử, số hoá thông
tin trên môi trường mạng phục vụ hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị sử
dụng ngân sách nhà nước.
Quy trình phân loại hồ
sơ, số hóa gắn với quá trình tiếp nhận, xử lý, trả kết quả giải quyết TTHC như
sau:
Mô tả quy trình:
Bước 1: Cán bộ một cửa phân loại giấy tờ chưa có bản
điện tử có giá trị pháp lý trong thành phần hồ sơ của cá nhân, tổ chức và tiến
hành số hóa, cụ thể:
- Đơn, tờ khai: Thực
hiện scan hoặc sao chụp chuyển thành tệp tin trên Hệ thống một cửa điện tử
tỉnh.
- Giấy tờ là kết quả
giải quyết TTHC: Nếu thuộc phạm vi quản lý của cơ quan xử lý hồ sơ, cán bộ một
cửa thực hiện scan hoặc sao chụp chuyển thành tệp tin trên Hệ thống một cửa
điện tử tỉnh. Trường hợp còn lại, cán bộ một cửa thực hiện scan hoặc sao chụp
chuyển thành tệp tin và ký số trên Hệ thống một cửa điện tử tỉnh; đồng thời,
chuyển tệp tin (không cần ký số) để thực hiện chứng thực (nếu có bộ phận chứng
thực được bố trí ngay tại Bộ phận một cửa) hoặc chuyển tệp tin đã ký số đến cơ
quan quản lý giấy tờ này để kiểm tra, số hóa theo quy định.
- Giấy tờ trong thành
phần hồ sơ phải số hóa theo quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc theo yêu
cầu quản lý: Cán bộ một cửa thực hiện scan hoặc sao chụp chuyển thành tệp tin
trên Hệ thống một cửa điện tử tỉnh; Trường hợp theo yêu cầu quản lý, pháp luật
chuyên ngành có quy định khác về việc số hóa các giấy tờ này thì thực hiện theo
quy định của pháp luật chuyên ngành (ví dụ: Điểm a khoản 7 Điều 15 Nghị định số
15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định người đề nghị
thẩm định có trách nhiệm nộp bản chụp (định dạng .PDF) tài liệu Báo cáo nghiên
cứu khả thi, thiết kế xây dựng đã đóng dấu thẩm định cho cơ quan chuyên môn về
xây dựng) hoặc các loại giấy tờ, thành phần hồ sơ là các Báo cáo kinh tế kỹ
thuật, hồ sơ dự án, các tập tài liệu là bản thảo có kích thước, khổ lớn,…
- Giấy tờ số hóa theo
nhu cầu: Thực hiện scan hoặc sao chụp chuyển thành tệp tin và ký số cơ quan, tổ
chức theo quy định tại Điều 25, 26, 27 Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày
05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của
Bộ phận một cửa và loại giấy tờ cần phải số hóa để tổ chức công việc, bố trí
nhân sự bộ phận một cửa phù hợp, trong đó có một số loại hồ sơ, giấy tờ cần chú
ý đặc biệt:
- Hồ sơ có khổ lớn,
bao gồm bản thiết kế, bản đồ,… Đối với các tài liệu này có thể cần thiết bị máy
tính, máy scan, sao chụp chuyên dụng.
- Hồ sơ, tài liệu có
kích thước nhỏ hơn mức bình thường.
- Hồ sơ gồm nhiều loại
tài liệu có kích thước, màu sắc, chất lượng giấy, mực, làm bằng các chất liệu,…
khác nhau.
- Hồ sơ bị nhăn, ghim,
đóng gáy, cuộn,… cần chuẩn bị thêm trước khi số hóa.
- Hồ sơ dễ hỏng mà có
thể gặp rủi ro trong quá trình số hóa (nếu là hồ sơ quan trọng, có thể đưa đến
quyết định không số hóa).
- Hồ sơ có lớp phủ đặc
biệt (trong suốt, bán trong suốt, mờ), bề mặt phản chiếu, dấu nổi thì cần phải
chuẩn bị thêm trước khi số hóa hoặc cần tối ưu ảnh sau khi số hóa.
- Hồ sơ là sản phẩm
nghe - nhìn như băng, đĩa,… cần các thiết bị chuyên dụng và các bước xử lý khác
thông thường.
- Hồ sơ có giá trị văn
hóa, lịch sử thì ngoài việc số hóa có thể cần thực hiện các giải pháp lưu trữ
hồ sơ gốc thích hợp. Việc sao chụp hồ sơ cần đảm bảo tối thiểu các yêu cầu sau:
- Chụp cả hai mặt tài
liệu, trừ khi tất cả các tờ đều trắng một mặt.
- Xác thực số lượng hồ
sơ gốc theo số lượng bản sao chụp để đảm bảo tất cả các hồ sơ gốc đều được số
hóa.
- Số lượng ảnh ở bản
sao chụp phải bằng số lượng trang đầu vào và được sắp xếp theo đúng thứ tự.
- Tạo hai bản quét cho
các trang có gắn giấy ghi chú: Một bản có giấy có ghi chú trên văn bản và một
bản đã bỏ giấy ghi chú.
- Đảm bảo chụp toàn bộ
văn bản.
- Đảm bảo các bản sao
chụp chính xác, toàn diện, đầy đủ so với bản gốc.
- Đảm bảo tính toàn
vẹn dữ liệu trong quá trình chuyển giao xử lý.
- Về thông số kỹ thuật
phải đáp ứng tiêu chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào của cơ sở dữ liệu tài liệu
lưu trữ tại Thông tư số 02/2019/TT-BNV ngày 24/01/2019 của Bộ Nội vụ quy định
tiêu chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào và yêu cầu bảo quản tài liệu lưu trữ điện
tử.
Bước 2: Hồ sơ điện tử được công dân ký số (nộp qua
hình thức trực tuyến) hoặc được cán bộ một cửa ký số, chuyển đến cơ quan, đơn
vị, phòng ban chủ trì xử lý, thẩm định hồ sơ và các cơ quan phối hợp (nếu có)
trên Hệ thống một cửa điện tử tỉnh. Cán bộ xử lý thực hiện kiểm tra, xử lý hồ
sơ.
- Nếu hồ sơ không đạt
yêu cầu: Thông báo cho cá nhân, tổ chức theo quy định về kết quả thẩm định, xử
lý hồ sơ.
- Nếu hồ sơ đạt yêu
cầu: Cán bộ xử lý kiểm tra giấy tờ là kết quả giải quyết TTHC thuộc phạm vi
quản lý của cơ quan và giấy tờ phải số hóa theo quy định của pháp luật chuyên
ngành hoặc theo yêu cầu quản lý để thực hiện số hóa (chuyển sang dữ liệu điện
tử trên hệ thống), cập nhật, lưu trữ vào hệ thống.
Việc số hóa của cán bộ
xử lý được thực hiện trên Hệ thống một cửa điện tử tỉnh và theo yêu cầu nghiệp
vụ (Cơ sở dữ liệu quốc gia/Cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác theo quy định). Quá
trình xử lý hồ sơ, kết quả thẩm tra, xác minh và kết quả trả lời của cơ quan
liên quan phải được cơ quan thẩm tra, xác minh, cơ quan phối hợp số hóa theo dữ
liệu điện tử để lưu vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.
Bước 3: Cán bộ xử lý hồ sơ trình cấp có thẩm quyền ký
duyệt kết quả giải quyết TTHC điện tử theo quy định. Kết quả giải quyết TTHC
điện tử được ký số, phát hành theo quy định công tác văn thư và lưu trữ vào Cơ
sở dữ liệu quốc gia/Cơ sở dữ liệu chuyên ngành/Hệ thống thông tin cung cấp dịch
vụ công của bộ, ngành (lưu trữ đường links vào Kho dữ liệu hồ sơ TTHC) hoặc lưu
trữ trên Kho dữ liệu hồ sơ TTHC trong trường hợp không có Cơ sở dữ liệu quốc
gia/Cơ sở dữ liệu chuyên ngành/Hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công tập
trung của bộ, ngành.
Bản điện tử của giấy
tờ là kết quả giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý của cơ quan và giấy tờ phải
số hóa theo quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc theo yêu cầu quản lý được
ký số của cơ quan, tổ chức vào bản sao y theo quy định tại Điều 25, 26, 27 Nghị
định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư.
Bước 4: Kết quả giải quyết TTHC được trả cho cá nhân,
tổ chức cả bản giấy và bản điện tử, trừ trường hợp TTHC chỉ quy định cung cấp
bản điện tử hoặc cá nhân, tổ chức chỉ yêu cầu cung cấp bản điện tử.
Một số yêu cầu:
- Quá trình số hóa
phải bảo đảm tính đầy đủ, chính xác, toàn vẹn dữ liệu của hồ sơ, giấy tờ được
số hóa và tính hoàn thiện về nội dung, quy trình số hóa.
- Thường xuyên tổ chức
kiểm soát chất lượng bản số hóa trên cơ sở các tiêu chuẩn quy định dữ liệu đầu
vào như: Kiểm soát chất lượng hoạt động của máy quét; kiểm tra mẫu trong trường
hợp thực hiện số hóa đồng loạt; kiểm tra chất lượng ảnh; kiểm tra dữ liệu đặc
tả,…
Ban biên tập